Góc nhỏ Đan Mạch giữa lòng Solvang êm đềm
Solvang do ba nhà giáo dục người Ðan Mạch thành lập năm 1911. Ba người này là Mục Sư J.M. Gregersen, thuộc nhà thờ Danish Lutheran Church, Cedar Falls, Iowa, Mục Sư Benedict Nordentoft và ông Peter Hornsyld. Cả hai đều thuộc trường đại học Grandview College, Des Moines, Iowa.
Lúc đó, mục tiêu của ba người này là thành lập một ngôi làng Ðan Mạch đầy dáng vẻ văn hóa nghệ thuật của quê hương mình. Họ cũng dự định mở một trường học dân gian giống như mô hình trường học rất thành công tại cố hương.
Ngôi trường này được xây năm 1914, có tên “Atterdag College” (tiếng Ðan Mạch có nghĩa là “There Will Be a New Day”) và nằm trên đường Atterdag Road. Năm 1970, ngôi trường bị hủy bỏ để xây dựng trung tâm hồi sức Santa Ynez Valley Recovery Residence.
Khi đến nơi, ba người đàn ông nói trên hoàn toàn ngạc nhiên và hài lòng với thời tiết ấm áp, vẻ đẹp thiên nhiên, đất đai phì nhiêu và nguồn nước cung cấp trong vùng. Họ quyết định mua miếng đất rộng 9.000 acres, với giá 40$/acre, của nông trại Rancho San Carlos de Jonata, mà ngày nay gọi là Solvang.
Thành tựu khoa học – kỹ thuật tại Solvang
Chỉ trong một thời gian ngắn, nông nghiệp của Solvang phát triển rất mạnh mẽ. Từ một vùng đất hoang sơ, chỉ là nơi cho gia súc như ngựa, bò và cừu gặm cỏ. Thành phố nhỏ bé này đã có một hệ thống dẫn thủy nhập điền từ hồ Lake Cachuma xuống sông Santa Ynez River. Tưới đầy đủ những cánh đồng nho bạt ngàn cung cấp nho cho 22 lò nấu rượu trong vùng. Ngoài ra, những người chăn nuôi ngựa có thể kiếm những cánh đồng cỏ non để nuôi những chú ngựa bán có giá nhất cho mình.
Thành công về nông nghiệp, đặc biệt là kỹ nghệ sản xuất rượu nho, đã làm cho Solvang trở thành một trong những nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất trong vùng.
Đường đi đến ngôi nhà Đan Mạch tại Solvang
Khi xa lộ 246 nối liền với đường Mission Drive, du khách sẽ đi qua một đoạn đường, chừng nửa dặm, rất thơ mộng với hai hàng thông trồng hai bên đường, cây nào cây nấy được cắt tỉa gọn gàng.
Phía sau hai hàng thông này là những chú ngựa đang ăn cỏ và những chú đà điểu đang đi lại trong hai nông trại hai bên, trông rất là đồng quê.
Qua một cây cầu nhỏ tại một khúc đường cong là người ta thấy ngay những ngôi nhà Ðan Mạch đầu tiên cùng với hình dáng của những cối xay gió. Mỗi ngôi nhà đều được bao bọc bằng những khung gỗ hình chữ nhật, vuông hoặc tam giác. Những hình chữ nhật này có cái nằm cái đứng. Hình tam giác thì nằm đứng đủ chiều, giống như vài căn nhà nằm trên đường Beach, giữa đường 13 và đường Westminster tại Quận Cam.
Kiến trúc của những ngôi nhà ở Solvang
Tuy nhiên, những khung gỗ bao bọc xung quanh các căn nhà tại thành phố Solvang có nhiều màu sắc hơn, tạo cho thành phố này sự riêng biệt hẳn so với các thành phố khác tại Hoa Kỳ mà tôi đã từng đi qua.
Một số mái nhà này được lợp bằng những miếng gỗ nhỏ, đầu nhọn chĩa xuống dưới, trông giống như những mái nhà lá. Phía trên đỉnh mái nhà có những khúc gỗ, dài chừng một thước, bắt chéo nhau, giống như hình chữ X, nằm đè lên.
Món ăn đặc trưng tại các nhà hàng Solvang
Các nhà hàng tại Solvang, ngoài các món ăn Mỹ thông dụng, đều có các món ăn thuần túy Ðan Mạch. Sau đây là 6 món ăn quen thuộc đặc trưng cho thành phố này
Bánh mì Đan Mạch
Ðặc biệt nhất là bánh mì Ðan Mạch, hầu như nhà hàng nào cũng có và được đưa ra cho khách thưởng thức trong lúc chờ mang món chính ra. Trong tiếng Ðan Mạch, loại bánh mì này có tên “Rugbrod,” có nghĩa là “Danish Rye Bread” vì được làm bằng “Rye,” một loại ngũ cốc trồng tại vùng Scandinavia.
Bánh mì Ðan Mạch có hình khối chữ nhật, kích thước cũng gần giống như những ổ bánh mì khi đi du lịch Mỹ, nhưng được làm chắc hơn và được trộn với nhiều loại hạt ngũ cốc khác nhau và thường có màu nâu đậm. Khi ăn hơi chua chua và mằn mặn, rất lạ miệng. Thực khách có thể quét một miếng bơ vào để thưởng thức, hoặc ăn không, và nhấp một miếng rượu đỏ. Một đặc điểm nữa của bánh mì “Rugbrod” là hàm lượng chất béo rất thấp.
Món tráng miệng Rodgod Med Flode
Một món đặc biệt nữa của Solvang là món “Rodgod Med Flode” (Red Porridge with Cream). Ðây là món tráng miệng thuần túy Ðan Mạch được làm bằng những loại trái dâu màu đỏ, như “strawberry” hoặc “raspberry”. Sau đó nấu với đường trắng hoặc bột khoai tây. Hai màu đỏ và trắng của món “Rodgod Med Flode” là hai màu trong lá cờ Ðan Mạch.
Bánh Aebleskiver
Hoặc như món bánh “Aebleskiver” (tiếng Ðan Mạch có nghĩa là “apple slices”) là một loại bánh ngọt truyền thống của Ðan Mạch, gần giống như bánh “pancake” của Mỹ. “Aebleskiver” được nướng trong một khuôn bằng gang có bảy chỗ lõm hình tròn, giống như khuôn đổ bánh khọt của Việt Nam. Sau khi nướng xong, bánh phồng lên và có hình tròn cỡ như trái táo. Thành phần chính của bánh là những miếng táo cắt nhỏ hoặc bột táo xay nhuyễn.
Thực ra, “aebleskiver” khá ngọt vì chất đường trong táo. Tuy nhiên, ngày nay, khi nướng bánh “aebleskiver,” người ta thường cho thêm một ít đường, cùng với “raspberry” hoặc mứt “raspberry.” Khi ăn, thực khách thường dùng “aebleskiver” với một ít rượu “glogg,” một loại rượu của vùng Scandinavian, có khi có hoặc không có chất cồn.
Trang phục nhân viên tại nhà hàng
Trong một số nhà hàng, ví dụ như Paula’s Pancake House, nữ nhân viên phục vụ đều mặc áo đầm truyền thống của Ðan Mạch. Trước cửa nhiều nhà hàng và nhà dân đều có một lá cờ Ðan Mạch và một lá cờ Mỹ. Vì thế, có người ví von rằng Solvang là thành phố cờ (Town of Flags).
Tuy là thành phố mang dáng vẻ hoàn toàn Ðan Mạch, Solvang cũng có một nhà hàng Nhật và một nhà hàng Tàu.
Những điều đặc biệt về các nhà hàng tại Solvang
Một điểm lạ là hầu như trước cửa nhà hàng nào cũng có một cái nhà Ðan Mạch nhỏ, mỗi chiều chừng hơn một gang tay, treo lủng lẳng trước hiên, trông giống như những lồng chim. Hỏi ra mới biết đó là một cái loa do thành phố Solvang đặt trước mỗi nhà và dùng để thông báo một điều gì đó đến các cửa hàng trong thành phố.
Reviews
There are no reviews yet.